Qua đời Sái Kinh

Nhận lệnh lưu đày, ông dẫn người nhà đi Thiều châu. Dân địa phương oán hận ông làm nhiều điều ác, nên đóng cửa giấu thực phẩm đi không bán, chặn đường mắng nhiếc; còn quan địa phương xua đuổi không cho đi đường lớn bắt đi sang đường nhỏ.

Khi Sái Kinh đến Đàm châu[38], vì không tìm được chỗ nghỉ nên phải vào chùa Đông Minh tạm trú. Ông bùi ngùi nhớ lại quá khứ và viết bài từ[39]:

Bát thập nhất niên trụ thế, tứ thiên lý ngoại vô gia. Như kim lưu lạc hướng thiên nhai, mộng đáo Dao Trì khuyết hạNgọc diện ngũ hồi mệnh tướng, đồng tình kỷ độ tuyên ma. Chỉ nhân tham luyến thử vinh hoa, tiện hữu như kim sự dã

Dịch:

Sau 81 năm sống trên đời, nay phải đi xa 4000 dặm mà không có nhà để ở. Đang lưu lạc nơi chân trời góc biển mà vẫn mơ mộng về cung điện Dao TrìĐã 5 lần làm thừa tướng tại triều đình, đã mấy lần xuống chó lên voi. Chỉ vì quá ham cuộc sống vinh quang đó nên ngày nay mới gặp cảnh ngộ này!

Viết bài từ được mấy hôm thì Sái Kinh qua đời, thọ 81 tuổi. Hoàn cảnh lúc đó khó khăn không có quan tài, người nhà mang xác ông gói vào vải xanh xấu mà dân gian thường dùng rồi chôn tại nghĩa địa ở địa phương. Do những việc làm bạo ngược khi còn sống, sau khi ông mất vẫn bị nhiều người oán hận[24]. Người đương thời cho rằng đó là sự báo ứng cho những việc làm ác độc của Sái Kinh khi còn quyền thế[39].

Về sau, có người thủ hạ của ông cải táng cho ông. Trong 50 năm trên quan trường, Sái Kinh 4 lần đứng ở cương vị quan đầu triều, nếu tính cả lần thăng từ Thượng thư Hữu bộc xạ lên Thượng thư Tả bộc xạ khi ngôi Thượng thư Tả bộc xạ đang bỏ trống thì Sái Kinh đã 5 lần làm quan đầu triều và 3 lần bị mất ngôi vị này; dù tính 4 lần ông vẫn là người giữ chức vụ quan đầu triều (thừa tướng) nhiều lần nhất trong lịch sử nhà Bắc Tống[1]. Ông bị xem là một trong những tội nhân gây ra sự suy vong của nhà Bắc Tống[39].